Vì sao nên chuẩn hoá PHR?
- 20/12/2020
- 1688
“Sức khoẻ của bản thân phải do chính mình tự bảo vệ”
Câu tưởng chừng như tất lẽ dĩ ngẫu này nhưng để thực hiện nó không hề dễ dàng vì chúng ta mù mờ về tình trạng và chỉ số sức khoẻ của bản thân.
Trong thời đại sức khoẻ số thì hồ sơ sức khoẻ cá nhân PHR (Personal Health Record) chính là yếu tố được kỳ vọng sẽ thúc đẩy ý thức và hành động tự quản lý sức khoẻ thông qua các thông tin được lưu trữ và được truy cập mọi lúc, mọi nơi.
Người ta cố gắng lượng hoá tình trạng sức khoẻ, tính toán dựa trên các dữ liệu sức khoẻ để đưa ra một con số “Health Score” đại diện cho sức khoẻ hiện tại. Người dùng theo đó mà nắm bắt, thay đổi nếp sinh hoạt, cải thiện tình hình sức khoẻ của mình.
PHR cũng được kỳ vọng trở thành nguồn dữ liệu Big Data về sức khoẻ, giúp cho những nhà khoa học triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu mối quan hệ giữa các chỉ số y tế và sức khoẻ, từ đó rút ra được các tri thức khoa học mới về sức khoẻ.
Tuy nhiên, để PHR thực sự phát huy ý nghĩa của nó thì PHR cần phải được chuẩn hoá bởi những lý do sau đây:
1, Đảm bảo dữ liệu đầy đủ
Dữ liệu không đầy đủ trước hết sẽ ảnh hưởng đến việc tham chiếu, theo dõi, giám sát sức khoẻ của người dùng. Ngoài ra, trong nghiên cứu dữ liệu sức khoẻ, nếu thiếu hoặc không nhập đầy đủ một mục dữ liệu cũng sẽ làm mất đi độ chính xác.
Tại Nhật Bản, 4 hiệp hội gồm hiệp hội tiểu đường, hiệp hội cao huyết áp, hiệp hội xơ cứng động mạch và hiệp hội thận đã cùng ngồi lại và đưa ra bản đề xuất các đầu mục dữ liệu cần thiết mà PHR cần phải có để theo dõi 4 loại bệnh phổ biến là bệnh tiểu đường, bệnh cao huyết áp, bệnh rối loạn chuyển hoá chất béo và bệnh thận mãn tính (CKD). Đây cũng được coi là bản chuẩn hoá đầu tiên về tính đầy đủ dữ liệu của PHR dành cho việc giám sát các bệnh mãn tính.
Bản chuẩn hoá này quy định những mục tối thiểu phải theo dõi với người khoẻ mạnh, những mục phải theo dõi khi đã mắc bệnh, thời gian cần cập nhật lại những chỉ số đó và ghi rõ các định mức cảnh báo khi 1 chỉ số nào đó vượt giới hạn.
2, Đảm bảo chất lượng dữ liệu
Chất lượng dữ liệu cũng là vấn đề rất quan trọng cần được chuẩn hoá.
Lấy ví dụ như dữ liệu đo sức khoẻ từ các wristband (vòng đeo tay đo chỉ số sức khoẻ ) sẽ cho ra các giá trị khác nhau. Thiết bị nào đáng tin cậy để cho vào dữ liệu PHR cũng cần phải được xem xét.
Hay là việc thực hành xét nghiệm, kết quả xét nghiệm cũng sẽ phụ thuộc nhiều vào thiết bị và người thực hiện. Chẳng hạn như chỉ số xét nghiệm chức năng hít thở phổi, EV(Extrapolated Volume), PEF-time(Peak-Flow-Time) sẽ khác nhau nhiều tuỳ theo trình độ của nhân viên y tế.
Một ví dụ khác là chất lượng hình ảnh chiếu chụp, siêu âm. Các máy khác nhau thì cũng cho ra kết quả chính xác khác nhau. Nếu không chuẩn hoá được chất lượng output dữ liệu thì việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào phân tích dữ liệu sẽ gặp nhiều khó khăn, đôi khi làm sai lệch kết quả.
3, Đảm bảo tính đồng nhất format
Đây là một yêu cầu hiển nhiên để đảm bảo tính thống nhất của dữ liệu.
Nhiều loại dữ liệu như dữ liệu Gen, dữ liệu chỉ số xét nghiệm máu, dữ liệu hình ảnh có những format khác nhau phụ thuộc vào thiết bị và quy định ở từng quốc gia, địa phương.
Các chỉ số kết quả không đồng nhất format có thể sẽ dẫn đến số liệu sai, nhất là format về đơn vị tính. Chuẩn hoá dữ liệu phải được thực hiện trước khi xử lý dữ liệu lớn, tạo nguồn dữ liệu tin cậy.
4, Đảm bảo tính chia sẻ
Và cuối cùng, giống như các hệ thống y bạ điện tử EMR, EHR, dữ liệu cần được chuẩn hoá để chia sẻ. PHR là dữ liệu sức khoẻ cá nhân nên chỉ cần chia sẻ được giữa các đơn vị y tế.
Một người sử dụng hệ thống PHR đi khám ở bệnh viện A, rồi sau đó ở bệnh viện B, bệnh viện C thì dữ liệu cũng nên được cập nhật về PHR, giúp cho người dùng quản lý tập trung được thông tin sức khoẻ của mình một cách thuận tiện.
Rõ ràng, với những yêu cầu về dữ liệu trên thì PHR cần nhanh chóng được chuẩn hoá. Việc chuẩn hoá này được thực hiện bởi cơ quan quản lý y tế.
Tại Nhật Bản thì Bộ Lao Động, An Sinh Xã Hội đã bắt đầu họp, bàn luận về vấn đề chuẩn hoá từ năm 2017, dự kiến năm 2021 sẽ đưa ra bản chuẩn hoá chính thức cho PHR, cũng như đặt mục tiêu phổ cập hoá PHR vào năm 2025.
Trần Quốc Dũng