Thời đại của Bệnh Viện Thông Minh
- 31/10/2020
- 1436
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang làm thay đổi nhanh mọi mặt của đời sống, gắn liền các đối tượng với từ khoá “thông minh”.
Chúng ta đã bắt đầu nghe từ xung quanh những thuật ngữ như xe thông minh, nhà thông minh, thành phố thông minh, nông nghiệp thông minh, giao thông thông mình...và tất nhiên cả lĩnh vực OmiCare đang hướng đến: y tế thông minh.
Thông minh là tính từ mô tả cho trí tuệ, cho tư duy, cho suy nghĩ có logic hợp lý.
Những gì máy móc làm nhưng chưa có tư duy (máy học), chưa có phán đoán logic trong đó thì chưa nên gọi là thông minh. Không nên lầm tưởng làm một phần mềm hỗ trợ hoạt động nào đó được tiện lợi hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn thì đã được gọi là thông minh.
Y tế thông minh nhắm đến 3 mục tiệu lớn: dự phòng thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản lý y tế thông minh.
Một bệnh viện tuy không đại diện cho cả ngành y tế nhưng cũng là một tập con đầy đủ nên nói đến bệnh viện thông minh thì cũng phải có 3 yếu tố trên.
Máy móc thông minh trước hết là nhờ có dữ liệu (Data).
Sau đó, dữ liệu được chuẩn hoá, mô hình hoá và suy diễn dựa trên thuật toán để rút ra được ý nghĩa, tri thức mới.
Không phải lúc nào bệnh viện cũng có sẵn dữ liệu và không phải bệnh viện nào cũng ngay lập tức thông minh toàn diện. Bản thân tôi đi tư vấn các hệ thống thông tin cho bệnh viện cũng nhìn vào thực tế, nhìn vào dữ liệu để “thông minh” hoá từng phần của bệnh viện.
Sự “thông minh” hoá của bệnh viện nên đi theo chiến lược phát triển của bệnh viện đó.
Dưới đây là một vài ví dụ về bệnh viện thông minh
Dự phòng thông minh
Sau khi đã làm tốt việc tiêm phòng vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm thì y tế dự phòng nhắm chủ yếu đến việc ngăn ngừa mắc bệnh và phòng tái phát bệnh đặc biệt là các bệnh mãn tính.
Tại Nhật Bản, đã có nhiều dự án nghiên cứu AI dựa trên dữ liệu xét nghiệm máu:
. Dự đoán khả năng mắc bệnh tiểu đường
. Dự đoán khả năng mắc bệnh đột quỵ
. Dự đoán khả năng mắc ung thư gan
. Dự đoán khả năng mắc bệnh alzheimer
. Dự đoán khả năng thiếu chất dinh dưỡng, gây rối loạn biến đổi chất
. Tìm và mô phỏng mối liên hệ giữa huyết áp với các yếu tố dược lý, vận động, dinh dưỡng
. Tim và mô phỏng mối tương quan giữa đường huyết và các yếu tố dược lý, vận động, dinh dưỡng
. Tìm mối liên hệ giữa gen và các yếu tố sinh học cơ thể quan trọng, mối liên hệ giữa gen và sự trao đổi chất
…
Trong số đó, nhiều dự án đã có tính chứng thực cao và thành sản phẩm thực tế.
Một người ở trạng thái giả khoẻ mạnh (chưa phát bệnh) nhưng thông qua xét nghiệm máu được cảnh báo những nguy cơ. Những nguy cơ này được thể hiện trực quan hoá qua màu sắc hoặc tỉ lệ phần trăm. Không những vậy, các công cụ này còn có mô phỏng nếu thay đổi các yếu tố như: vận động, dinh dưỡng, uống supplement, thay đổi sinh hoạt, cải thiện đời sống tinh thần...thì nguy cơ đó sẽ giảm như thế nào? Sự thay đổi này cũng được thể hiện bằng đồ thị giúp cho mọi người thấy được tầm quan trọng của việc thay đổi lối sống.
Những dữ liệu này tiếp tục được lưu trữ và theo dõi bởi cả người bệnh và bác sĩ giúp cho cả 2 nhìn được sự cải thiện sức khoẻ hết sức trực quan.
Khám chữa bệnh thông minh
Máy tính có thể hỗ trợ bác sĩ trong việc chuẩn đoán dựa trên lịch sử dữ liệu khám chữa bệnh đủ lớn. Việc ra quyết định và chịu trách nhiệm cuối cùng vẫn là bác sĩ nhưng bác sĩ được hỗ trợ bởi tri thức và kinh nghiệm trong quá khứ được tổng hợp lại từ máy tính.
Ngày nay, các công cụ hỗ trợ chuẩn đoán không còn xa lạ:
. Hỗ trợ chuẩn đoán hình ảnh
. Hỗ trợ ra quyết định thử nghiệm cận lâm sàng
. Hỗ trợ ra quyết định kê đơn thuốc
. Hỗ trợ ra quyết định phác đồ điều trị
Mỗi gạch đầu dòng ở trên thực ra là một bài toán lớn và mất rất nhiều công sức để làm. Một số công cụ hỗ trợ ra quyết định đã được nhúng vào trong hệ thống y bạ điện tử. Bác sĩ tăng hiệu suất khám chữa bệnh đáng kể khi liên tục được hỗ trợ ra quyết định.
Giả sử một bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng như thế này thì ngay lập tức những mối nghi bệnh và danh sách các gợi ý nhóm xét nghiệm sẽ hiện ra. Bác sĩ chỉ việc chọn lựa nhóm xét nghiệm và tuỳ chỉnh nếu cần. Việc này được cho là sẽ làm tăng năng suất khám của bác sĩ lên 4 lần và giúp các bác sĩ không ngại lưu thông tin vào hệ thống.
Quản lý y tế thông minh
Thực ra đãy là một chủ đề lớn nói đến quản lý y tế ở tầng vĩ mô. Dựa trên dữ liệu y tế có thể thống kê các vấn đề y tế theo các yếu tố địa phương, tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, xã hội ...để từ đó ra quyết định quản lý phù hợp.
Nhưng trong khuôn khổ chủ đề về bệnh viện thông minh, tôi muốn nói đến khía cạnh quản lý vận hành trong một bệnh viện.
- Tăng hiệu suất hoạt động khám chữa bệnh của bác sĩ
- Tăng hiệu suất hoạt động của y tá, điều dưỡng
- Tăng hiệu suất sử dụng máy móc, thiết bị y tế, vật tư y tế
- Tăng hiệu suất sử dụng giường bệnh
- Tăng hiệu quả kinh doanh của bệnh viện thông qua dữ liệu thống kê mang tính marketing
- Tăng chất lượng dịch vụ bệnh viện
Những việc trên máy tính có thể làm được nếu như có được dữ liệu:
- Biết được từng bác sĩ khám được bao nhiêu bệnh nhân mỗi ngày
- Lưu lượng bệnh nhân của từng phòng khám, từng khoa theo thời gian
- Thời gian chờ trung bình của bệnh nhân
- Lượng ra quyết định xét nghiệm cận lâm sàng của từng bác sĩ, tính được hoạt động của máy móc thiết bị và số lượng vật tư tiêu hao
- Số lượng bệnh nhân lưu trú và thời gian dự kiến in, out của họ
- Hiệu suất trung bình của y tá, hộ lý, điều dưỡng trên tổng số lượng bệnh nhân
- V.v...
Bệnh viện phải có chiến lược và cách thức thu thập dự liệu. Có dữ liệu trên sẽ giúp cho việc quản trị vận hành được tốt hơn như
- Điều hướng bệnh nhân giảm tải phòng khám và giảm thời gian chờ,
- Điều phối tăng giảm bác sĩ cơ hữu và không cơ hữu,
- Điều tiết thiết bị, vật tư y tế,
- Đón tiếp bệnh nhân bằng nhận diện mặt, nhận diện thẻ bảo hiểm,
- Đặt lịch, tương tác với bệnh nhân tự động,
- Tăng năng suất cán bộ y tế...
Một ví dụ sau đây cho thấy tác dụng của việc quản trị dựa trên data.
Một bệnh viện nội trú 500 giường tính thống kê cho thấy một y tá phụ trách được 20 giường bệnh. Thời gian bận nhất của y tá là khi phải đi canh khi bệnh nhân truyền. Họ phải đi kiểm tra thuốc còn hay hết, điểu khiển tốc độ truyền theo lượng thuốc còn lại, kiểm tra kim có bị lệch, truyền có bị tắc...Họ phải đảo qua, đảo lại các giường bệnh để kiểm tra.
Một hệ thống giám sát việc truyền qua thiết bị mobile được phát triển. Y tá có thể xem trên đó tình trạng truyền của các bệnh nhân, biết chính xác % thuốc còn lại và chỉ đến giường bệnh khi cần thiết. (Các cây truyền của Nhật đã có sensor điều khiển tốc độ dòng chảy thông qua lượng thuốc còn lại trong bình )
Điều này giúp y tá có thể tự do di chuyển, làm các việc khác, tăng hiệu suất làm việc và tăng số bệnh nhân phụ trách lên 30 giường.