Suy ngẫm về chăm sóc sức khoẻ thông minh
- 07/02/2021
- 1310
Chuyển đổi số trong y tế là nhắm đến mục đích xây dựng một nền tảng y tế thông minh với 3 trụ cột chính: dự phòng, chăm sóc sức khoẻ thông minh, khám - chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.
Số hoá và ứng dụng công nghệ số của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường để hiện thực hoá những mục đích trên.
Sau thời gian dài các sản phẩm công nghệ thông tin hướng nhiều đến việc quản trị y tế, khám chữa bệnh, tập trung vào giải quyết các vấn đề vận hành bên trong cơ sở y tế thì chuyển đổi số y tế trên thế giới đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ theo hướng dự phòng và chăm sóc sức khoẻ thông minh, hướng trọng tâm chủ thể sang người bệnh.
Sự dịch chuyển này được kỳ vọng không những đem lại nhiều lợi ích về chăm sóc sức khoẻ mà còn đạt hiệu quả về kinh tế trong nỗ lực chuyển đổi từ mô hình y tế dựa trên bằng chứng ( Evidence-Based Medicine) sang mô hình y tế dựa trên giá trị (Value Based Medicine) (*).
Vậy chúng ta thử suy nghĩ sâu một chút về chăm sóc sức khoẻ thông mình dựa trên CNTT.
Một hệ thống như thế nào được gọi là hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ thông minh?
Theo tôi, hệ thống chăm sóc sức khoẻ phải đảm bảo được 3 đặc trưng trọng yếu là tính tự động hoá, tính cá nhân hoá và trí tuệ nhân tạo.
1, Tính tự động hoá:
Bạn đi khám về, dữ liệu khám bệnh phải tự động lưu vào cơ sở dữ liệu sức khoẻ cá nhân và kiểm tra được trên smartphone. Các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán bệnh cũng được lưu trữ, bảo lưu để tham chiếu khi cần thiết.
Bạn đi mua thuốc, dữ liệu lịch sử sử dụng thuốc cũng được lưu tự động và hồ sơ sức khoẻ cá nhân của bạn.
Ngoài những dữ liệu liên kết với các cơ sở y tế, nhà thuốc thì những dữ liệu khác như dữ liệu sinh hoạt, số bước chân, giấc ngủ, vận động, nhịp tim.. cũng thông qua các thiết bị IoT được lưu tự động.
Tại Nhật Bản, những dữ liệu về dinh dưỡng cũng thực hiện bán tự động. Người dùng chụp ảnh bữa ăn trước khi ăn, hệ thống đọc và phân tích ảnh món ăn sẽ nhận dạng món ăn và tự động lưu số liệu dinh dưỡng vào cơ sở dữ liệu.
Các dữ liệu thiết yếu (vital) , dữ liệu gen, dữ liệu điều dưỡng cũng đang được kết nối dần dần để tạo thành một kho dữ liệu sức khoẻ tổng hợp, đầy đủ về mỗi người.
Điều quan trọng là dữ liệu phải đạt được tính tự động hoá cao, giảm gánh nặng vận hành, tăng tính tiện dụng, tăng độ chính xác, toàn vẹn của dữ liệu.
2, Tính cá nhân hoá
Ở góc độ y sinh học, mỗi con người là một cá thể rất riêng biệt, có những đặc trưng sinh học khác nhau. Dần dần chúng ta cũng hiểu ra rằng, khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cần đặc biệt chú ý đến yếu tố cá thể, bởi mỗi người có những phản ứng khác nhau với các liệu pháp y tế (Personalized medicine).
Chẳng hạn như một thí dụ về sự khác nhau trong khả năng hoạt tính của enzym. Hoạt tính enzym hỗ trợ phản ứng tổng hợp một chất nào đó trong cơ thể của người này có thể khác vài chục đến cả trăm lần người khác. Một hình ảnh dễ tưởng tượng là để hấp thu cùng một lượng vitamin C, một người có thể ăn 1 quả chanh nhưng người khác có thể phải ăn cả chục quả. Điều này giải thích vì sao cùng loại thuốc supplement, có người thấy hiệu quả, có người không.
Dữ liệu xét nghiệm, dữ liệu lịch sử bệnh, dữ liệu lịch sử thuốc, dữ liệu chỉ số cơ thể, dữ liệu sinh hoạt, dữ liệu dinh dưỡng, vận động, dữ liệu chẩn đoán hình ảnh, dữ liệu gen...tất cả sẽ tạo nên một tổ hợp dữ liệu sức khoẻ đặc trưng của mỗi cá nhân được lưu trữ và tích luỹ theo thời gian. Những dữ liệu này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tham chiếu, nhận định tình trạng và tìm ra những phương pháp chăm sóc sức khoẻ phù hợp nhất với cá nhân đó.
Hãy tưởng tượng một người đi khám định kỳ và cho kết quả tốt, các chỉ số xét nghiệm đều nằm trong phạm vi cho phép. Nhìn thì có vẻ như không vấn đề gì nhưng nếu có dữ liệu quá khứ để so sánh, rất có thể chúng ta tìm ra được những rủi ro. Chẳng hạn như so sánh với dữ liệu khám lần trước, thấy cơ thể tăng thêm 2kg, men gan, đường huyết và cholesterol hơi tăng nhưng vẫn trong phạm vi cho phép. Tham chiếu sang dữ liệu dinh dưỡng và vận động, giấc ngủ, stress ...chúng ta có thể phát hiện ra những rủi ro về lối sinh hoạt, gây ra vấn đề về chuyển hoá mặc dù các chỉ số vẫn an toàn.
3, Trí tuệ nhân tạo
Trong thời đại ngày nay, nếu không ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chắc khó được gọi là thông minh.
Với số lượng lớn dữ liệu, đa dạng về kiểu cách chúng ta sẽ có Big Data về sức khoẻ, là cơ sở để phát triển các mô hinh AI, phục vụ công tác hỗ trợ chẩn đoán, giám sát và cảnh báo rủi ro sức khoẻ.
Chúng ta đã nghe nhiều đến những AI hỗ trợ chẩn đoán trong khám chữa bệnh. Trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ thông mình, tuy vẫn còn ở dạng sơ khai, nhưng những AI dự đoán rủi ro các bệnh cũng đang rất phát triển.
Tại Nhật Bản, các công ty công nghệ lớn như Toshiba, NEC, Hitachi ..đồng loạt công bố những sản phẩm AI của mình nhiều như nấm mọc sau mưa. Họ đều là những công ty phát triển hồ sơ bệnh án điển tử cho các bệnh viên lớn ở Nhật. Sẵn có dữ liệu được lưu trữ qua nhiều năm của số lượng lớn người bệnh, các công ty này đã nghên cứu phát triển các thuật toán phát hiện sớm các bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, đột quỵ ...và bước đầu đưa vào ứng dụng thực tiễn.
Tại các bệnh viện đại học lớn cũng tổ chức nhiều dự án nghiên cứu, xây dựng mô hình trí tuệ nhân tạo, phân tích mối quan hệ giữa các yếu tố sinh hoạt và sức khoẻ như alzheimer với đi bộ, huyết áp, đường huyết, giao tiếp hay mối liên hệ giữa biến đổi đường huyết với giấc ngủ, dinh dưỡng, đi bộ, dược lý...AI sẽ giúp con người phát hiện thêm tri thức mới về sức khoẻ con người.
Với dữ liệu cá nhân đầy đủ, toàn vẹn và có tính tin cậy cao, viễn cảnh về trợ lý sức khoẻ cá nhân dựa trên AI cho mỗi người là hoàn toàn có thật. Các mô hình AI sẽ dựa trên dữ liệu sức khoẻ của mỗi cá nhân, xây dựng nên một chương trình chăm sóc sức khoẻ phù hợp nhất với từng đối tượng. Các thay đổi sinh hoạt như ăn gì? ngủ ra sao? vận động thế nào?...tất cả sẽ được lên kế hoạch và hướng dẫn thực hiện một cách tự động.
Chúng ta sẽ có một trợ lý đảm bảo sức khoẻ cho bản thân mọi lúc, mọi nơi.
Tương lai của chăm sóc sức khoẻ thông minh sẽ dựa vào ứng dụng chuyển đổi số. Một nền tảng có đẩy đủ yếu tố tự động hoá, cá nhân hoá và ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ trở thành một nền tảng chăm sóc sức khoẻ thông mình, lấy con người làm trung tâm.
Trong cuộc cách mạng này, tất cả chúng ta đều mới bắt đầu và cơ hội còn đang mở cho bất kỳ ai. Tại sao chúng ta không dám thử thách để trở thành người dẫn đầu?
(*) Mô hình y tế dựa trên bằng chứng là mô hình dựa trên dịch vụ. Chúng ta phải trả tiền cho tất cả các dịch vụ y tế cho dù các xét nghiệm, các hành vi y tế có thành công hay không? Có thực sự đem lại giá trị hay không. Điều này gây nhiều lãng phí kinh tế. Mô hình y tế dựa trên giá trị sẽ giúp đánh giá xác thực hơn, người bệnh chỉ phải trả những gì mang lại giá trị cho họ.
Trần Quốc Dũng