Lượng hoá tình trạng sức khoẻ - Health Level Scoring
- 28/02/2021
- 1673
Chúng ta có thể nói bạn A cao hơn bạn B, bạn B nặng hơn bạn C nhưng chúng ta không thể nói bạn nào khoẻ hơn bạn nào.
Sức khoẻ là một trạng thái và chúng ta chưa có giá trị định lượng cho trạng thái đó. Khi nói ai khoẻ hơn ai, chúng ta vẫn ngầm hiểu ở một ngữ cảnh hẹp nào đó như trong một cuộc thi đấu sức khoẻ hay một hoạt động thể thao..
Nếu theo định nghĩa sức khoẻ của WHO: “sức khoẻ là một trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội” thì sẽ rất khó đưa ra một con số định lượng cho trạng thái đó nhưng rõ ràng mỗi người đều có một trạng thái sức khoẻ đang tồn tại.
Nếu xét riêng ngữ cảnh về sức khoẻ thể chất (bao gồm sức khoẻ vật lý và sức khoẻ sinh học) thì tình trạng sức khoẻ nếu được lượng hoá sẽ giúp ích lớn trong việc chăm sóc sức khoẻ.
Bài viết dưới đây sẽ nói về lượng hoá tình trạng sức khoẻ dựa trên ngữ cảnh hẹp này.
Health Level Scoring (HLS) là gì?
Là một hệ thống lượng hóa các chỉ số đại diện cho tình trạng sức khoẻ của một cá nhân.
HLS đến nay chưa từng được chuẩn hoá bởi một tổ chức hay quốc gia nào. Tuy nhiên, nhiều hệ thống HLS đã ra đời và có nhiều hướng tiếp cận khác nhau.
Tại Mỹ đã có ít nhất khoảng 20 công ty đã sử dụng Health Score vào trong các app chăm sóc sức khoẻ cá nhân của họ.
Trong số các công ty thì Dacadoo là cái tên nổi bật. Họ tính Health Score dựa vào các dữ liệu sức khoẻ thể chất, tinh thần, dinh dưỡng, vận động, giấc ngủ, tự chủ. Health Score được update gần với thời gian thực thông qua sự biến thiên của dữ liệu.
Mô hình tính HLS của Dacadoo
Tại Nhật Bản, để thúc đẩy y tế dự phòng, hạn chế các bệnh mãn tính do thói quen sinh hoạt, chính phủ Nhật đã thành lập nhóm nghiên cứu hệ thống HLS từ năm 2015. HLS của Nhật Bản dựa trên các chỉ số đánh giá nguy cơ rủi ro mắc 5 loại bệnh: béo phì, huyết áp, chuyển hoá đường, chức năng gan và chuyển hoá chất béo. Các nguy cơ này được tính toán dựa trên các chỉ số xét nghiệm cận lâm sàng (chủ yếu là sinh hoá máu)
Mô hình thể hiện HLS theo các rủi ro mắc bệnh mãn tính của chính phủ Nhật Bản
Một cách tiếp cận khác là tính HLS thông qua đánh giá thiếu thừa một vài chỉ số quan trọng như đạm, đường, chất béo, vitamin và khoáng chất. Sự đánh giá này cũng dựa vào các chỉ số xét nghiệm sinh hoá máu và theo quan điểm đánh giá của dinh dưỡng học phân tử.
Vì sao chúng ta nên có Health Level Scoring?
Dù cho có nhiều cách tiếp cận tính khác nhau nhưng mỗi HLS để mang nhiều ý nghĩa trong việc chăm sóc sức khoẻ.
. HLS giúp cho nhìn thấy rõ ràng hơn tình trạng sức khoẻ của mình. Dữ liệu sức khoẻ được lượng hoá, trình bày bằng hình ảnh, đồ hoạ.. sẽ giúp cho chúng ta dễ hiểu hơn về tình trạng cơ thể mình.
. HLS giúp nâng cao ý thức về việc giữ gìn sức khoẻ của mỗi người. Giả sử nhìn HLS của mình với điểm số 80/100 sẽ rất khác so với 30/100. Nó mang ý nghĩa kêu gọi hành động (call for action). Nó có ý nghĩa rất lớn trong y tế dự phòng.
. HLS giúp cho việc giao tiếp giữa nhân viên y tế và người khách hàng trở nên rõ ràng và dễ dàng hơn. Trao đổi tình trạng sức khoẻ thông qua các giá trịnh định lượng bao giờ cũng cụ thể hơn với những giao tiếp thuần định tính
. HLS rất có ý nghĩa thống kê và sử dụng cho các mục đích nghiên cứu, phân tích dữ liệu.
Trần Quốc Dũng