[Góc học hỏi] KAISUKE - platform kết nối viện dưỡng lão và điều dưỡng viên (Uber - Grab cho lĩnh vực điều dưỡng)
- 09/08/2021
- 1198
Bộ Kinh Tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản(METI) hàng năm tổ chức cuộc thi Japan Healthcare Business Contest nhằm tìm kiếm những công ty, cá nhân có các sản phẩm thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ có tiềm năng để kết nối đầu tư, hỗ trợ phát triển, thúc đẩy lĩnh vực healthcare ICT.
Cuộc thi đã được tổ chức 6 lần từ năm 2016 đến nay. Nhiều sản phẩm đã được thương mại hoá, trở thành những startup nổi tiếng trong lĩnh vực healthcare.
Xin lần lượt giới thiệu một số sản phẩm đạt giải cao qua các năm.
Sản phẩm KAISUKE - platform kết nối viện dưỡng lão và điều dưỡng viên (Uber - Grab cho lĩnh vực điều dưỡng)
Giải thưởng
Giải Grand Prix xuất sắc nhất về tiềm năng kinh doanh năm 2020
Vấn đề
Nhật Bản là đất nước có dân số già đứng đầu thế giới. Theo số liệu điều tra mới nhất 9/2020 của Bộ Tổng Vụ, số người trên 65 tuổi ở Nhật Bản là hơn 36 triệu người, chiếm gần 30% dân số. Nghĩa là gần như cứ 3 người Nhật thì trong đó có 1 người trên 65 tuổi.
Số người sử dụng dịch vụ điều dưỡng liên tục tăng, đến cuối năm 2019, số liệu thống kê từ bộ Lao Động, An Sinh, Xã hội cho thấy có gần 5 triệu người đang sử dụng các dịch vụ điều dưỡng. Đặc biệt là những người già mắc căn bệnh mất trí nhớ tăng, hơn 4 triệu người bị mắc căn bệnh này, chiếm đến hơn 11% số người già. Đây là những đối tượng cần dịch vụ điều dưỡng nhiều nhất.
Để phục vụ cho điều dưỡng hiện tại và tương lai gần, Nhật Bản cần 1.9 triệu điều dưỡng viên tại thời điểm hiện nay và dự báo cần 2.1 triệu điều dưỡng viên vào năm 2025.
Trong bối cảnh như vậy, ngành điều dưỡng ở Nhật Bản đang gặp phải mấy vấn đề và cơ hội kinh doanh sau đây:
1, Tình trạng thiếu điều dưỡng viên nghiêm trọng ở các trung tâm dịch vụ dưỡng lão. 70% các trung tâm đều thông báo tình trạng thiếu lao động điều dưỡng. Số lượng thiếu lên đến gần 300 nghìn lao động.
2, Tỷ lệ nghỉ việc ở ngành điều dưỡng rất cao do điều dưỡng được cho là 1 công việc 3K ở Nhật (Kitanai: không sạch sẽ, Kitsui: không thoải mái, vất vả, Kyuryou hikui: Lương thấp). Rất nhiều người có bằng điều dưỡng nhưng nghỉ fulltime ko làm nữa, chọn công việc parttime lĩnh vực khác. Ngành điều dưỡng đang rất phí phạm nguồn lao động như vậy.
3, Loại hình dịch vụ hỗ trợ tại nhà (home helper) có nhu cầu lớn, phát triển nhanh và rất phù hợp với người làm parttime thay vì làm fulltime ở các trung tâm.
Trong 3 loại dịch vụ điều dưỡng ở Nhật là dịch vụ tại trung tâm điều dưỡng hay viện dưỡng lão, dịch vụ tại khu sinh hoạt cộng đồng theo quận nơi sinh sống và dịch vụ hỗ trợ tại nhà thì dịch vụ hỗ trợ tại nhà được sử dụng nhiều nhất chiếm hơn 70% và tiếp tục có xu hướng tăng.
4, Trong thời kỳ đại dịch Covid, tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh, nhiều ngành gặp khó khăn. Điều dưỡng có cơ hội rất lớn để kéo lại những người đã có bằng điều dưỡng đang làm parttime ở lĩnh vực khác nếu thay đổi được cơ chế làm việc linh hoạt, cải thiện hình ảnh công việc điều dưỡng.
Sản phẩm / Giải pháp
KAISUKE là một giải pháp giải quyết vấn đề thiếu lao động ở các cơ sở điều dưỡng.
Thông qua hình thức platform, kết nối cơ sở điều dưỡng và điều dưỡng viên, KAISUKE giúp các công ty cung cấp dịch vụ điều dưỡng tiếp cận được với nguồn lao động điều dưỡng dễ dàng hơn, tận dụng thêm được nguồn những người có bằng nhưng đã nghỉ việc. Ngược lại, người lao động cũng có nhiều lựa chọn phù hợp với nguyện vọng công việc của mình, có động lực để tiếp tục hoặc quay lại công việc điều dưỡng.
Người sử dụng hệ thống có các lợi điểm sau:
Đối với các cơ sở điều dưỡng:
. Có thể đăng thông tin các job điều dưỡng đơn lẻ, part time, mô tả các đặc điểm thời gian, địa điểm, nội dung, chế độ..để tìm những người phù hợp với điều kiện.
. Quản lý công việc, chấm công, trả tiền…hoàn toàn trên hệ thống, tính lương, thuế tự động
. Hệ thống đánh giá 2 chiều giúp các cơ sở điều dưỡng thông qua phản hồi của khách hàng có thể đánh giá chất lượng phục vụ của điều dưỡng.
. Kaisuke cũng mở ra khả năng nếu 2 bên thấy phù hợp, cơ sở y tế hoàn toàn có thể tiến tới tuyển dụng người điều dưỡng.
Đối với điều dưỡng viên:
. Có nhiều lựa chọn về công việc cho mình, phù hợp về thời gian, địa điểm, nội dung công việc, chế độ. Người lao động có thể kiếm thêm tiền rất chủ động, linh hoạt trong thời gian rảnh rỗi. Chính điều này sẽ khuyến khích cho nhiều phụ nữ Nhật tìm đến công việc điều dưỡng để vừa có thêm thu nhập vừa có thời gian chăm sóc gia đình.
. Mọi thủ tục ứng tuyển, phỏng vấn…diễn ra trên hệ thống, đơn giản, gọn nhẹ. Các thanh toán, xử lý thuế cũng được hệ thống thực hiện tự động, giảm thủ tục cho người lao động
. Dễ tìm được công việc như ý, phù hợp mong muốn bản thân. Tham khảo được cơ sở điều dưỡng nào tốt thông qua dữ liệu đánh giá 2 chiều.
Hình ảnh từ website homepage của KAISUKE
Công Nghệ:
Kaisuke là một platform chạy trên môi trường Cloud.
Kaisuke chú trọng vào giải quyết vấn đề ở góc độ nghiệp vụ và business model nên về mặt công nghệ chưa có gì nổi bật. Platform có các hệ thống web và app, cung cấp đầy đủ các tính năng giúp kết nối 2 đối tượng là cơ sở điều dưỡng và điều dưỡng viên cũng như các chức năng giải quyết các vấn đề phát sinh của business model.
Cơ hội kinh doanh:
Kaisuke đánh đúng nhu cầu vào đúng thời điểm khi dịch bệnh bùng phát nên tăng trưởng rất ấn tượng. Chỉ trong thời gian vài tháng rất ngắn, Kaisuke đã có trên 4000 điều dưỡng viên đăng ký, hơn 1000 job mỗi tháng được post lên hệ thống. Kaisuke vừa mới nhận được khoản đầu tư 1 triệu đô vòng seeding. Mô hình kinh doanh của Kaisuke đang áp dụng giống với mô hình kinh tế chia sẻ của Uber và Grab.