Cơ thể bạn thiếu dinh dưỡng gì?
- 13/10/2020
- 2170
Gần đây ở Việt Nam rộ lên một vài cuốn sách hướng dẫn những bí kíp ăn uống để trẻ lâu, để phòng bệnh và thậm chí là chữa bệnh.
Có thể kể đến cuốn “Dinh dưỡng học bị thất truyền” của Tiến sĩ, bác sĩ Vương Đào người Trung Quốc.
Cuốn “Nhân tố Enzym” của Giáo sư, bác sĩ Hiromi Shinya người Nhật
Hay cuốn “Bí mật dinh dưỡng cho sức khoẻ toàn diện” dịch từ cuốn sách “China Study” dày công nghiên cứu của Giáo sư, Tiến Sĩ dinh dưỡng người Mỹ T.Colin Campbell.
Cả 3 cuốn sách trên đều đã được dịch sang tiếng Việt và được truyền bá đến đông đảo người đọc. Đó đều là những tác phẩm rất đáng trân trọng được viết bởi những người nổi tiếng, có kinh nghiệm lâu năm trong ngành y và dựa trên thực chứng bởi chính đông đảo người bệnh của họ cũng như số lượng lớn người tham gia vào nghiên cứu. Cá nhân tôi thực sự khuyên mọi người đọc những cuốn sách này.
Điểm chung của cả 3 cuốn sách đều nói đến câu chuyện:
- Cơ thể chúng ta được sinh ra, lớn lên và hoạt động được là nhờ dinh dưỡng. Cân bằng dinh dưỡng đóng vai trò quyết định lên sức khoẻ của mỗi người
- Cơ thể chúng ta có khả năng tự chữa bệnh hết sức kỳ diệu như những người thợ lành nghề nhất. Vấn đề là phải cung cấp đủ nguyên liệu cho người thợ lành nghề để đánh thức sự kỳ diệu ấy. Nguyên liệu ở đây chính là dinh dưỡng
- Mỗi cơ thể có một khả năng hấp thụ dinh dưỡng hoàn toàn khác nhau phụ thuộc vào cơ thể và sinh hoạt của mỗi người. Vì vậy, cần hiểu về cơ thể mình để điều chỉnh cân bằng dinh dưỡng chứ không nên bắt chước bất kỳ ai.
Như vậy, câu chuyện ở đây chính là làm thế nào để cân bằng dinh dưỡng trong cơ thể mình?
Ví dụ về một cách cân bằng dinh dưỡng
Cân bằng nghĩa là không thiếu, không thừa chất gì cho hoạt động của cơ thể. Việc thiếu và thừa này phải qua kiểm chứng bằng dữ liệu chứ không thể chỉ thông qua suy đoán đơn thuần.
Ví dụ như một người ăn nhiều đạm protein nhưng khi xét nghiệm lại thấy vẫn bị thiếu protein. Lúc đó phải nghĩ ngay đến việc xem khả năng hấp thụ protein của cơ thể mình hoặc trong sinh hoạt, công việc đặc trưng của mình có tiêu tốn nhiều protein không?
Logic đến đây đã dần hé mở đến tầm quan trọng của việc phải hiểu được tình trạng dinh dưỡng của cơ thể, phải nhìn thấy được thông qua dữ liệu và quản lý được.
Các cách để phát hiện thiếu, thừa dinh dưỡng
Cách suy đoán: thiếu cân bằng dinh dưỡng bên trong sẽ thể hiện ra bên ngoài. Chúng ta cần lắng nghe, quan sát cơ thể với những biểu hiện nhỏ nhất như rụng tóc, xước móng tay, nổi mụn, da đổi màu, mệt mỏi, mất ngủ, khó dậy, dễ cáu gắt v.v…
Người ta đã phân nhóm thành các bộ câu hỏi triệu chứng để biết được cơ thể thiếu dinh dưỡng gì.
Đây là cách đơn giản nhất để có những suy đoán bước đầu về tình trạng dinh dưỡng của bản thân.
Cách xét nghiệm: để biết chính xác hơn cơ thể chúng ta thiếu, thừa dinh dưỡng gì thì phải kiểm chứng bằng số liệu thông qua xét nghiệm.
Ở Nhật Bản gần đây đã phát triển những bộ test kit để biết về tình trạng dinh dưỡng của cơ thể mình.
Đơn cử như một startup VitaNote phát triển bộ test dinh dưỡng thông qua nước tiểu. Bộ test có thể xác định được tình trạng của 15 dưỡng chất cơ bản.
Xét nghiệm máu vẫn đang là cách cho chúng ta nắm được toàn diện nhất về tình trạng thiếu thừa dinh dưỡng. Cách đọc bảng máu trong trường hợp này sẽ khác so với cách đọc bảng máu cận lâm sàng để chứng thực bệnh.
Quản lý dữ liệu dinh dưỡng của bản thân bằng công nghệ
Tôi vẫn luôn là người ủng hộ chăm sóc sức khoẻ dựa trên dữ liệu. Đây cũng là xu hướng của chăm sóc sức khoẻ hiện đại. Dữ liệu sức khoẻ giúp mỗi cá nhân nhìn sâu được tình trạng cơ thể mình, từ đó điều chỉnh sinh hoạt dựa trên sự hiểu biết về cơ thể bản thân.
Đầu năm nay, Ominext cũng vừa phát triển một app dự đoán sức khoẻ dựa trên kết quả xét nghiệm máu cho một tập đoàn bảo hiểm của Nhật.
Phần lõi của thuật toán dự đoán bệnh được phát triển bởi tập đoàn Toshiba. Người dùng sẽ biết được chỉ số máu nào cao, chỉ số nào thấp và sau 6 năm sau nếu chỉ số máu giữ như thế này thì sẽ có khả năng cao mắc bệnh gì?... Từ đó ra các hướng dẫn cải thiện tình hình sức khoẻ thông qua các kế hoạch dinh dưỡng và vận động.
Riêng về dinh dưỡng, hệ thống này vẫn chỉ đưa ra những gợi ý chung chung dựa trên khả năng mắc bệnh. Chẳng hạn như đường huyết cao thì hạn chế ăn các chất tinh bột, đường, huyết áp cao thì hạn chế ăn muối mặn…Tôi nghĩ chúng ta cần biết sâu hơn thế, từ kết quả máu nhìn ra được thiếu dưỡng chất gì, cần bổ sung gì để tránh những bệnh gây rối loạn chuyển hoá.
Tôi vẫn hướng OmiCare xây dựng nên một platform như vậy, giúp người dùng nhìn thấy tình trạng cơ thể mình qua những con số. Điều đó sẽ là động lực thúc đẩy mọi người hành động, thay đổi nếp sinh hoạt và ăn uống, phòng tránh bệnh một cách chủ động và khoa học nhất.